Năm xuất bản: 2016
Số trang: 344
Giá bìa: 110.000 VNĐ
"Dùng phương thức đi xa nghìn dặm bắt đầu từ một bước chân, đo đạc vẻ đẹp các lĩnh vực của đời người, tưới nước cho gốc cây bé nhỏ trong tâm hồn để nó lớn lên, mong đợi nó sum suê chọc trời, đó chính là “cuộc sống tương lai” mà tôi kỳ vọng."
"Nếu như bạn vẫn luôn tin rằng “trùng hợp” và “vận may” thường bầu bạn mình, mà bạn lại vừa khéo tin rằng đi xa nghìn dặm bắt đầu từ một bước chân, thế thì xin chúc mừng bạn, bởi vì chắc chắn bạn có một cuộc sống đáng mong đợi."
"Nếu như bạn vẫn luôn tin rằng “trùng hợp” và “vận may” thường bầu bạn mình, mà bạn lại vừa khéo tin rằng đi xa nghìn dặm bắt đầu từ một bước chân, thế thì xin chúc mừng bạn, bởi vì chắc chắn bạn có một cuộc sống đáng mong đợi."
Mua cuốn sách này vào ngày sách VN cách đây gần 2 năm, thời gian gần đây mới có dịp đọc hết. Đây là một cuốn tùy bút kể về hành trình trekking đến Tây Tạng của Trần Khôn cùng 10 bạn sinh viên trong chương trình Power to Go – Đi là sức mạnh với mục đích chính là Đi, đi để “tìm thấy và hoàn thiện chính mình, nâng cao sức mạnh nội tại”, cũng qua đó chia sẻ những trải nghiệm nhân sinh của anh. Bình thường mình không đọc tùy bút, tự truyện hay hồi kí của người nổi tiếng, nhưng lại không chần chừ mua cuốn này, đơn giản vì anh ấy là Trần Khôn, với ánh mắt gây ám ảnh trên bìa sách.
Câu chữ của anh không cầu kỳ, không hoa mỹ, không cố “gồng”, dễ đọc, dễ hiểu, khiến người đọc cảm nhận được thành ý qua những câu chuyện về nghiệp diễn, về tình bạn, tình thân, về những người khác, về sự nỗ lực của bản thân, về tình cha con, sự biết ơn của anh với những người giúp đỡ anh và cả những người khắc nghiệt với anh,… Giọng văn của anh như tính cách anh thể hiện – cao ngạo, cô độc, đầy gai nhọn nhưng bình thản, kiên định, chân thành, trong nội tâm vẫn chứa đầy những mâu thuẫn chưa thể dung hòa. Trong cuốn sách của mình, Trần Khôn không đề cập nhiều đến Tây Tạng, phần lớn là những tâm sự và cách nhìn nhận của anh đối với cuộc sống, và người đọc nhìn thấy một Trần Khôn đời thường như chúng ta với bao trăn trở, tranh đấu, chiêm nghiệm, trải qua đủ những biến cố cuộc đời để trưởng thành, một Trần Khôn sau ánh hào quang diễn viên hạng A của màn ảnh rộng Hoa Ngữ. Đọc mới thêm hiểu, tại sao dù không có tượng vàng Tam Kim, anh vẫn là Ảnh đế được công nhận trong lòng bao người.
Bắt đầu cuốn sách là những chia sẻ về năm tháng thơ ấu nghèo khổ của Trần Khôn – một đứa trẻ tỉnh lẻ, sống trong gia đình ly tán, đến khi lớn lên không hy vọng nhiều vào sự nghiệp ca hát hay diễn xuất, coi mọi thứ với mình đều là sự "trùng hợp", coi nhẹ thành tựu sự nghiệp của mình vì luôn cảm thấy mình được ưu đãi bất ngờ. Dù mọi mục tiêu về cuộc sống vật chất đã đạt được nhưng trong tâm hồn luôn thấy bất an. Sau đó Trần Khôn thoát khỏi nó bằng phương pháp thiền. Anh nhận ra thật sự mình yêu nghề diễn này, sau đó mới có những trải nghiệm “sống chết” vì vai diễn, trải qua bao tôi luyện, mới có một diễn viên Trần Khôn ngày hôm nay. Anh như sinh ra để đóng phim. Phim của anh mình xem không nhiều, nhưng vẫn nhớ mãi Kim Yến Tây trong Kim Phấn Thế Gia năm nào, và ấn tượng nhất cho đến giờ vẫn là Vũ Hóa Điền trong Long Môn Phi Giáp.
Có những đoạn thật cảm động khi anh nói về gia đình. Gia đình chính là như thế, người thân chính là như thế, không hỏi lý do. Đối với anh, tình thân là tình cảm quan trọng nhất trong sinh mệnh. Trong khái niệm của anh, dường như không có tình bạn thuần túy, cũng không có tình yêu thuần túy, cuối cùng chúng đều sẽ diễn biến thành tình thân. Anh tin rằng, vào lúc tâm linh ta sắp suy sụp, người vô điều kiện, sớm nhất, không hỏi lý do xuất hiện bên cạnh ta, cho ta sự an ủi và ủng hộ, đó là người bạn mà ta có thể xem là người thân. Đây cũng là sự khác biệt trong tình bạn của anh với Châu Tấn và Triệu Vy. Châu Tấn đã sớm trở thành người thân của anh, còn Triệu Vy là bạn học, là “tấm gương soi” – giúp anh tiến bộ và hoàn thiện mình. Khi đọc đến đoạn này, bản thân tự thấy mình vô cùng may mắn, vì trong hơn 20 năm sinh mệnh, mình cũng có người bạn là người thân.
Trần Khôn là một người nóng tính và có những lúc dễ làm tổn thương người khác. Anh chia sẻ trước đây anh luôn cho rằng tính xấu của mình, sửa đổi là chuyện của bản thân anh, đây chính là anh, người khác thích hay không đều chẳng sao cả. Sau khi một số bạn bè tiếp nhận anh, đến gần anh, anh chưa bao giờ thử sửa đổi tính xấu của mình. Anh đi đến hôm nay nhờ lòng khoan dung và sự dung túng của mọi người đối với anh. Nhìn lại chính mình cũng như thế. Cảm ơn những người ở bên cạnh đã chấp nhận và khoan dung với mình cho đến tận hôm nay.
Trong hành trình đi của mình, anh và những người đồng hành hết lần này đến lần khác khiêu chiến cực hạn của bản thân, lắng nghe tiếng nói nội tâm đồng thời tự nghiệm ra những bài học cho chính mình. Đi – mới thấy bản thân có thể mạnh mẽ đến thế, đi – mới thấy bản thân có thể kiên trì đến vậy, đi – mới thấy bản thân có thể làm được. Hành trình Đi là sức mạnh cũng như hành trình cuộc đời, cho dù gian nan nhường nào, đã đi thì phải hướng về phía trước, không lùi bước, không bỏ cuộc, dám đối mặt với khó khăn và dùng một thái độ thản nhiên đón nhận kết quả. Với mình, có thể nói cuốn sách này như một cuốn sách lan tỏa những điều tích cực. Đọc xong và khao khát trekking vẫn đang rất cháy bỏng. Nếu bạn thích một cuốn sách có thể khiến bản thân đối thoại nội tâm khi đọc, đây là một cuốn sách có thể cân nhắc.
“Cất bước đi, ta mới phát hiện phong cảnh bên ngoài tươi đẹp như thế.
Cất bước đi, ta mới biết nội tâm của mình nông nổi biết bao.”
_________
Cuốn sách này có nhiều đoạn rất hay, đây là một số đoạn mà mình thích nhất:
1. Trong phương thức tư duy của tôi, nói cách khác, trong quá trình trưởng thành của tôi, chẳng có ai dựa theo cuộc sống mà tôi kỳ vọng cho tôi thứ tôi muốn có, mọi thứ trong cuộc sống đều là tùy cơ. Nếu tôi là đứa trẻ ấy, có người đến thăm tôi, tôi hưởng thụ niềm vui khi người ấy đến, cũng chịu đựng nỗi đau khổ khi người ấy rời khỏi. Nếu hiểu được chấp nhận, sau khi khôn lớn có lẽ sẽ trở thành một người rất tích cực, rất biết trân trọng. Bởi vì “tiếp nhận” là điều mà hoạt động “Đi là sức mạnh” hướng đến.
2. Nhân sinh chính là một lần rồi lại một lần gặp gỡ, đều là duyên phận, không có tốt và xấu, không có đúng và sai. Duyên phận đến rồi, hết lòng đối đãi; duyên phận tận rồi, tự sẽ phân ly.
3. Đường dài thăm thẳm, hít thở khó khăn. Có một khoảnh khắc, trong đầu tôi lướt qua một ý nghĩ: Sao vẫn chưa tới điểm cuối? Nhưng trong chớp mắt tôi liền phê phán bản thân, quá đỗi mong đợi đến điểm cuối, chỉ khiến nó đến “chậm” hơn. Thế là tôi lại chuyên tâm đi đường, chú ý hít thở, dồn sức chú ý vào từng bước dưới chân. Sự đơn điệu khi leo núi bỗng trở nên thú vị vô cùng, vì mỗi một bước sải ra đều đang khiêu chiến bản thân.
4. Leo núi là đọ sức với chính mình. Đối thủ của ta không phải là ai khác, chỉ là bản thân ta. Đồng thời, trên thế gian này, người mà ta có thể nương tựa, cũng chỉ có bản thân ta. Chẳng ai chịu đựng thay ta, cũng chẳng ai lấy đi được lòng kiên cường của ta.Mỗi người đều là một lữ khách cô đơn, trong quá trình đi dần trở nên kiên cường.
5. Khi mai kia các em rời ghế nhà trường, đi vào xã hội, đối mặt với áp lực của xã hội xoay vần với tốc độ cao, đối mặt cương vị công tác cạnh tranh gay gắt, đối mặt quan hệ giao tế giữa người với người sắc bén nhất, đối mặt với tình người ấm lạnh và trắc trở va vấp, lúc đó, họ sẽ hiểu rõ, phương thức áp chế “khắc nghiệt” hôm nay của tôi sẽ có ích cho cuộc đời họ. Đến lúc đó, nội tâm họ sẽ sinh ra một sức mạnh tích cực để đối mặt với tất cả những vấn đề mình gặp phải, bởi vì nội tâm họ sớm đã trở nên kiên cường trong khi đi.
0 Comments:
Đăng nhận xét